Nếp sống văn hoá Làng Mai Xá

Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương (tính đến năm 2011), làng Mai Xá có 587/757 hộ đạt "Gia đình văn hóa" và chính thức được công nhận là "Làng văn hóa" năm 2012[4].

Đất học

Làng Mai Xá nổi tiếng là vùng "đất học" của tỉnh Quảng Trị[9]. Học sinh làng Mai Xá Chánh học giỏi, thi đỗ đạt cao là nhờ hương đất của làng[10][11]. Địa hình của làng có hình dáng như ngòi bút cắm vào nghiên mực – biểu tượng cho đất học[10][11]. Dù ở trong hoàn cảnh nào, học sinh làng Mai Xá cũng biết vươn lên trong học tập nhằm gìn giữ truyền thống hiếu học của làng[12]. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, người Mai Xá Chánh luôn hướng ngoại để mở mang kiến thức, đem về cho mình những giá trị văn hoá, tinh thần cao quý nhất[10][11].

Gio Mai có ba làng: Mai Xá Chánh, Mai Xá Thị và Lâm Xuân, trong đó làng Mai Xá Chánh nổi tiếng nhất[10][11]. Có thời điểm, chưa tính những người đã nghỉ hưu, riêng làng Mai Xá Chánh có hơn 800 con, em là cán bộ các cấp, ngành có trình độ đại học và trên đại học[10][11] và hàng năm có thêm trên 50 học sinh đỗ vào các trường đại học lớn như Bách khoa, Kinh tế, Ngân hàng[10][11]...

Ở làng này người ta chẳng kính phục nhau chuyện giàu có, chức quyền, mà chỉ "đọ" nhau về những tấm bằng đại học giữa các gia đình, dòng họ[10][13]. Chuyện học hành, thi cử trở thành "miếng giữa làng" tại vùng quê nghèo này. Tất cả các dòng tộc của làng Mai Xá đều thành lập ban khuyến học và hàng năm họ tổ chức lễ phát thưởng cho những con em học giỏi của dòng họ mình[13].

Trong những dòng tộc ở làng Mai Xá, họ Trương Quang được biết đến nhiều nhất[10][13]. Họ Trương Quang ở làng Mai Xá có gần 200 cử nhân cao đẳng, đại học; 15 người là thạc sĩ và tiến sĩ. Con cháu của dòng họ công tác khắp các bộ, ban ngành, viện từ Trung ương đến địa phương với các chức vụ như: đại sứ của Bộ Ngoại giao, vụ trưởng của bộ Công nghiệp trước đây, vụ trưởng Vụ Pháp chế của bộ Công Thương, giảng viên, cán bộ ở các trường đại học lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh[13].

Gia đình ông Trương Quang Giáo ở xóm chợ, hai vợ chồng làm ruộng và bán rau nuôi nổi sáu đứa con vào đại học. Rồi cả sáu người dâu rể của ông Giáo đều đỗ đạt. Để được đi học, ngày đó con của ông Giáo phải thay nhau nghỉ học, ở nhà giúp bố mẹ. Đợi người anh tốt nghiệp ra trường rồi đứa em tiếp tục đi học lại cũng chẳng muộn. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ đó mà các con của ông Giáo đều trở thành những cán bộ giỏi. Gia đình ông Giáo nổi tiếng nhất ở vùng đất học Quảng Trị, chứ không riêng ở làng Mai Xá Chánh[10][13].

Họ Trương Quang là một trong những dòng họ thành đạt nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị. Con em của dòng họ cần cù, hiếu học. Sau khi học hành đỗ đạt, họ giữ những chức vụ cao và là những người rất yêu nước, phụng sự Tổ quốc. Thời nào dòng họ này cũng có những người con góp phần viết nên những trang sử mới cho dân tộc.

— Trương Sĩ Tiến (nguyên Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị)[13]

Dòng họ Bùi ở làng Mai Xá Chánh có 297 người tốt nghiệp đại học, 15 người có trình độ thạc sĩ, năm giáo sư và tiến sĩ (GS.TS Bùi Thế Vĩnh, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, TS Bùi Trọng Ngoãn, TS Bùi Minh Tâm, TS Bùi Minh Thành) và có tám đại tá quân đội đang công tác khắp mọi miền đất nước[4][9]. Luôn tự hào về truyền thống của tiền nhân, các gia đình họ Bùi ai cũng quyết tâm đưa con em mình tới "cửa cử nhân". Nhớ lại nhiều năm trước, học sinh ở làng này chủ yếu đi bộ ra Gio Linh, lên Đông Hà trên quảng đường dài từ 5 – 10 km để học Trung hoc phổ thông, khổ nhọc là vậy mà nhiều người lại học rất nổi tiếng[10][13]. Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà nào cũng lấy việc nuôi dạy con cái nên người làm trọng[7]. Dù phải bán hết nhà cửa, họ vẫn cố gắng tìm mọi cách nuôi con ăn học[10][11]. Với ý chí vượt khó vươn lên của những sinh viên trong làng, người dân làng Mai luôn từ hào rằng: "Đất này nghèo tiền nhưng giàu chữ"[13].

Với truyền thống văn hoá lâu đời, người dân làng Mai Xá Chánh đã sản sinh ra nhiều người con làm rạng danh cho quê hương[2]. Năm 1937, ông Trương Quang Phiên đã mở lớp dạy học có tên gọi "Gia đình học hiệu Tiên Việt" dạy dỗ con em trong làng. Đây là một trong rất ít lớp học chữ quốc ngữ đầu tiên tại Quảng Trị. Nhiều người tham gia lớp học ngày ấy kể lại rằng lớp học không chỉ là một "Gia đình học hiệu" đơn thuần mà còn là nơi tụ nghĩa[13].

Những sáng kiến dạy học từ những năm ba mươi của ông Trương Quang Phiên ở làng Mai Xá sau này đã được áp dụng khắp địa phương Quảng Trị trong những ngày mới khởi nghĩa. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng Tám, Quảng Trị đã có hàng vạn người đọc thông viết thạo. Lịch sử giáo dục Quảng Trị ghi nhận ông Trương Quang Phiên là người có công lớn trong việc phát triển nền giáo dục cách mạng[13].

Công tác khuyến học

Làng Mai Xá luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đặc biệt chú trọng công tác khuyến học. Nhờ vậy mà hàng năm 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường chuyên, Đại học và Cao đẳng ngày càng cao[4].

Hiện làng Mai Xá có 9 dòng họ có quỹ khuyến học và hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng bảy âm lịch, các họ tộc ở làng Mai Xá tổ chức chương trình khuyến học, trao học bổng và tặng quà cho những học sinh của dòng tộc mình có thành tích xuất sắc trong học tập hay có hoàn cảnh khó khăn và biết vươn lên trong học tập[9].

Đến nay, toàn làng Mai Xá có 774 sinh viên Đại học, Cao đẳng, 800 cán bộ đương chức (chưa tính số cán bộ đã nghỉ hưu[9]) có trình độ đại học và trên đại học, 3 Giáo sư và Phó Giáo sư, 15 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ, 1 dịch giả, 1 Nghệ sĩ ưu tú và 1 Nghệ sĩ nhân dân[4]...

Con người

Làng Mai Xá lừng danh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng, đặc biệt là phong trào "Mai vàng tụ nghĩa" của cụ tú tài Trương Quang Cung và hào khí "Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn" được người dân Quảng Trị truyền đời[4][14].

Người Mai Xá không chỉ thông minh, cần cù, chịu thương, chịu khó[15] mà còn nổi tiếng vì sự gan dạ được so sánh như đá vùng Hảo Sơn (Gio Sơn, Gio Linh) cực kỳ rắn chắc "Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn"; đặc biệt là câu chuyện hai người con của làng làm cách mạng bị Pháp chặt đầu bêu giữa chợ, hai bà mẹ đã mang khăn gói đến đòi đầu con đem về mai táng, được nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi trong bài hát "Bà mẹ Gio Linh"[14][16]. Người Mai Xá còn nổi tiếng vì lòng kiên cường trong cuộc kháng chiến của người Việt. Trong một bài viết trên báo Quảng Trị có đoạn:

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Mai Xá đã đi vào lịch sử với huyền thoại bà mẹ Gio Linh[14] nuôi con đánh giặc và trận "Bạch Đằng giang trên sông Hiếu", chiến công đánh giặc giữ làng của 12 cô gái làng Mai[17]. Với truyền thống văn hoá lâu đời, người dân làng Mai Xá Chánh đã sản sinh ra nhiều người con làm rạng danh cho quê hương. Đến nay, làng Mai Xá có 11 Tiến sĩ[18], giáo sưphó giáo sư; 1 nghệ sĩ ưu tú[19], 2 nhà giáo ưu tú và trên 600 người đỗ Cử nhân[2][17], một người mang hàm cấp tướng và rất nhiều sĩ quan cấp tá...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làng Mai Xá http://www.langmaixa.com/ http://www.youtube.com/watch?v=vyq0NmkvWs4 http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan01.php http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=56&modid=... http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=56&modid=... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=56&mo... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=56&mo... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=84&mo... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=84&mo... http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=84&mo...